Tín dụng đã gần hơn với nhân dân

0
406

Hơn 01 năm thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã bước đầu tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm. Hơn thế nữa, từng bước, người nghèo đã dần quen với hoạt động tín dụng và tài chính ngân hàng.
Bản Cảm là một thôn vùng sâu của xã Cổ Linh (Pác Nặm). Người dân trong thôn còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống nhưng nhờ vốn vay NHCS mà nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên. Chị Ma Thị Xuyến, Tổ trưởng tổ TK&VV của thôn cho biết: Việc huy động tiết kiệm đã từng bước tạo cho bà con có ý thức dành tiền để tạo vốn, trong những tháng khó khăn hộ vay có thể rút tiền để nộp lãi hoặc mua sắm vật tư nông nghiệp. Một số thành viên do chưa hiểu thấu đáo dẫn tới chưa nhất trí, chị Xuyến đã kiến nghị cấp trên thực hiện tuyên truyền bằng cả tiếng địa phương, đến tận những nơi xa xôi nhất. Nhờ vậy, 52/52 hộ đều đã thực hiện nộp tiết kiệm vơi số tổng số tiền hơn 3 triệu đồng.
Cũng như các hộ dân ở Bản Cảm, chị Lý Thị Thúy, tổ TKVV Hội Phụ nữ tổ 10, phường Sông Cầu (Thị xã Bắc Kạn) đã nhận thức rõ ý nghĩa từ việc huy động tiền gửi tiết kiệm. Khi được phổ biến chủ trương, quy ước của tổ số tiền gửi ban đầu là 50.000đ, hàng tháng gửi từ 10.000đ trở lên nhưng chị đã quyết định mỗi tháng gửi từ 400- 500.000đ để sau này quay vòng được vốn trả gốc ngân hàng CSXH chị đã vay từ trước. Ý nghĩa của tiền gửi lập tức phát huy tác dụng khi tháng 01/2011, gia đình có việc chị đã rút về 4.000.000đ với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện.
Hoặc như chị Hoàng Thị Yến, tổ viên tổ TK&VV thôn Nà Món, xã Phương Linh (Bạch Thông) đã mạnh dạn gửi tiết kiệm mỗi tháng 100.000đ. Sau gần 01 năm tham gia đến nay số dư tiền gửi của chị đã là 836.000đ. Số tiền tuy không lớn nhưng thật sự có ý nghĩa với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Quen dần với tín dụng không chỉ có chị em phụ nữ, các cựu chiến binh mà còn có cả rất nhiều thanh niên trẻ. Đơn cử như Đoàn Thanh niên xã Lương Hạ (Na Rì) quản lý 2 tổ TKVV của thôn Khuổi Nằn I và Khuổi Nằn II với 69 thành viên chủ yếu là dân tộc Dao. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên cả hai tổ đã triển khai xây dựng quy chế tiền gửi rất cụ thể. Đến giờ hai tổ đã có số tiền gửi hơn 10 triệu đồng giúp ích cho người dân khi gặp khó khăn. Có thể nói chưa lúc nào hoạt động tín dụng lại trở nên đơn giản và gần gũi đến vậy với người dân ở các thôn, bản vùng sâu, xa trên toàn tỉnh.

Hoạt động tín dụng đã trở nên gần gũi, thân thuộc với đồng bào nghèo. (ảnh: Phòng Giao dịch NHCSXH Ba Bể giao dịch tại xã Cao Thượng).

Ngay sau khi có chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tại cấp tỉnh, huyện, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Qua 01 năm, toàn tỉnh đã huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TKVV được 1.589/1.613 tổ với số tiền huy động hơn 4 tỷ đồng. Số tiền gửi bình quân/01 hộ là 108.000đ với số thành viên tổ tham gia gửi là 39.955 thành viên. Các huyện có tỷ lệ huy động đạt 100% số tổ với số tiền lớn là thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông. Đặc biệt là huyện Pác Nặm đã huy động được 170 triệu đồng. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm đã giúp hội viên có ý thực tiết kiệm, sử dụng đồng tiền có mục đích, không còn lãng phí. Tiền gửi không chỉ là đồng vốn mà còn góp phần gắn bó mối quan hệ giữa tổ chức hội, đoàn thể với ngân hàng.
Vai trò của tổ TK&VV đặc biệt rõ nét ở kết quả hoạt động ủy thác cho vay. Trong năm qua ngân hàng CSXH đã chủ động thực hiện công tác phối hợp và tổ chức thực hiện; thường xuyên kiện toàn, thay thế những Ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng các tổ. Thông qua tổ TK&VV hoạt động tín dụng đã có doanh số cho vay hơn 261 tỷ đồng; doanh số thu nợ hơn 127 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình cho vay ủy thác là hơn 1.047 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là hơn 4 tỷ đồng; nợ trung, dài hạn hơn 1.043 tỷ đồng tập trung cho nông nghiệp, lâm nghiệp; hoạt động phục vụ cá nhân, cộng đồng và hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình. Huy động tiền gửi tiết kiệm được hơn 4 tỷ đồng.
Trên toàn tỉnh hiện có 1.613 tổ TK&VV trong đó có 649 tổ do Hội Phụ nữ quản lý; 533 tổ do Hội Nông dân quản lý; 233 tổ do Hội Cựu chiến binh quản lý và 198 tổ đo Đoàn Thanh niên quản lý. Tổng số tổ hoạt động tốt là 1.521 tổ; hoạt động trung bình có 76 tổ. Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện chi trả cho các tổ chức hội, Ban quản lý tổ TK&VV số tiền chi trả hoa hồng và phí dịch vụ ủy thác hơn 14 tỷ đồng. Thông qua tổ TKVV việc cho vay đã trở nên đơn giản, dễ dàng hơn, người dân dễ tiếp cận, dễ thanh toán tiền lãi.
Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức ở phía trước, như việc chủ động phối kết hợp giữa tổ chức chính trị xã hội với ngân hàng CSXH cấp huyện, xã có nơi còn chưa chặt chẽ; chưa có biện pháp để bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động với các tổ TK&VV kém hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay còn chỉ đạo thiếu kiên quyết, chưa sát với thực tế; một số tổ chức hội cấp xã chưa họp giao ban với ngân hàng sau buổi giao dịch xã; một số tổ trưởng tổ TK&VV chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của bản thân… Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra. Như Hội Nông dân tỉnh cho rằng: việc thành lập tổ TK&VV theo địa bàn dân cư ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của Hội khi tổ trưởng tổ TK&VV không phải là hội viên. Hội Cựu Chiến binh tỉnh nêu ý kiến một số tổ trưởng và Ban quản lý tổ năng lực còn hạn chế do nhiều nguyên nhân nên chất lượng hoạt động của tổ chưa cao.
Vai trò và hiệu quả mà tổ TK&VV mang lại đã rõ, việc phát huy thành tích ấy trong những năm tiếp theo là mục tiêu mà NHCSXH tỉnh đang hướng tới. Bà Hoàng Quỳnh Nga, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: trong năm tới, chi nhánh phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao; tỷ lệ nợ quá hạn dưới hoặc bằng 0,2%; tỷ lệ thu lãi đạt 98% trở lên. Định hướng chung là các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác phải phối hợp với ngân hàng đôn đốc nợ quá hạn, đến hạn, lãi phải thu, lãi tồn; tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện nghiêm túc 6 công đoạn trong quy trình cho vay…

Đối với thực hiện huy động tiền gửi mục tiêu đặt ra là 100% số tổ, 100% thành viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện huy động đạt 13 tỷ đồng. Ngành phấn đấu phát huy cao độ vai trò của tổ TKVV để người dân quen thuộc với công tác tín dụng từ đó cho vay hiệu quả đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương./

Previous articleGóp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
Next articleCánh chim đầu đàn của người Mông Khuổi Hao